A+ A A- Kiểu đọc sách

7 bí quyết để trở thành chuyên gia mặc cả khi đi du lịch

11:56 21/07/2017
loading...

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Ai đi du lịch thì tâm lí cũng đều muốn sử dụng những dịch vụ có chất lượng tốt với giá rẻ hoặc ít ra là giá phải chăng. Cũng muốn mua được những sản phẩm ưng ý mà không tốn nhiều tiền. Nhưng làm sao để đạt được mục đích?

1.Không bao giờ được tỏ ra vội vã

Chú thích ảnh

Biểu hiện bề ngoài của bạn có thể ảnh hưởng tới thành bại của vụ mặc cả khi bạn mua đồ bởi người bán hoàn toàn có thể dựa vào đó để ép giá bán. Ai có xu hướng tỏ ra vội vã, muốn kết thúc nhanh cuộc giao dịch thường sẽ nhanh chóng đưa ra mức giá tiệm cận với giá mà người bán phát ra hoặc thậm chí đồng ý luôn với mức giá đó mà không mặc cả. Tất nhiên, bạn chắc chắn mua đắt trong trường hợp đó bởi một khi làm kinh doanh, không có người bán hàng nào lại không ăn lãi cả. Điều đó có nghĩa là gì? Bạn cần kiên nhẫn thương lượng giá cả và cho người bán hàng thấy là bạn hết sức thong dong, rằng bạn có nhiều lựa chọn mua sắm khác nhau và vẫn đang cân nhắc các lựa chọn ấy một cách chậm rãi.

2.So sánh giá là bắt buộc

Chú thích ảnh

Bạn muốn thuê resort/khách sạn/nhà nghỉ? Bạn muốn thuê xe máy/ô tô để khám phá? Bạn muốn ăn một món ngon nào đó? Hay bạn muốn mua đồ lưu niệm mang về làm quà?... Đừng quên khảo giá nhiều cửa hàng, resort/khách sạn/nhà nghỉ... khác nhau thay vì chỉ tập trung vào duy nhất 1 lựa chọn và mặc cả. Cùng một sản phẩm giống nhau nhưng mức giá mà mỗi người bán/người cung cấp dịch vụ đưa ra không hẳn là như nhau. Bạn cần ghi nhớ điều này nếu muốn tìm được người bán/người cung cấp dịch vụ với giá tốt.

3.Chỉ trả nửa giá, thậm chí 1/3 giá so với những gì người bán đưa ra

Chú thích ảnh

Để cuộc mặc cả thành công, bạn cần tạo cho mình một “không gian” về giá, nghĩa là bạn nên đưa ra một mức giá đủ thấp để không chỉ tránh mua hớ, mua đắt khi gặp phải những trùm “nói thách” mà còn tự tạo ra một “khoảng cách” về giá so với những gì người bán đưa ra nhờ thế cho phép bạn có thể nâng giá mua (nếu cần thiết) lên một mức nào đó (cao hơn một chút so với đề nghị đầu tiên) để người bán thấy là bạn cũng có thiện chí tìm kiếm một sự đồng thuận về giá cả. Như thế, cuộc mặc cả dễ thành công hơn nhiều.

4.Bỏ đi cũng là một nghệ thuật

Đừng bao giờ để người bán hàng thấy là bạn quá cần hay quá thích mua sản phẩm của họ với việc cứ đứng xem hàng mãi và trả giá nhanh mà khi cần thiết bạn nên bỏ đi sau khi đưa ra một mức giá dạm mua thấp mà người bán chưa sẵn sàng chấp nhận. Bỏ đi là cách bạn làm cho người bán thấy là họ cần phải giảm giá xuống để tránh mất khách vì khi bạn rời khỏi cửa hàng của họ hoặc không dùng dịch vụ của họ nữa (đi taxi, xe ôm, thuê chỗ lưu trú....) thì bạn hoàn toàn có thể mua sản phẩm hoặc dùng dịch vụ của nhà cung cấp khác. Trong nhiều trường hợp, người bán sẽ đi theo bạn và đồng ý bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ với mức giá bạn mặc cả trước đó.

5.Đừng bao giờ khoe tiền mệnh giá lớn

Không có ai đi mặc cả chi li từng nghìn hay thậm chí vài trăm nghìn với lí do túi tiền chỉ cho phép chi tiêu đến thế mà lại cho người khác thấy điều ngược lại cả. Khi bạn (dù vô tình) để người khác thấy sự giàu có hay điều kiện tài chính tốt của mình thì rõ ràng việc bạn cứ kì kèo mặc cả vài chục hay vài trăm nghìn sẽ bị cho là keo kiệt, bùn xỉn và rất có thể vụ mặc cả của bạn sẽ thất bại.

6.Đi theo nhóm đông và đặt chỗ sớm

Muốn ăn uống với chi phí bình dân, bạn có thể tìm đến những hàng quán vỉa hè hoặc mua đồ về tự nấu hoặc bạn mang theo đồ ăn sẵn nhưng có một cách khác để bạn vẫn có thể tìm đến những nhà hàng danh tiếng thường thức mà không tốn quá nhiều chi phí là đi theo nhóm đông và gọi đồ chung cho cả cả nhóm rồi cùng nhau chia sẻ chi phí. Với dịch vụ lưu trú, rõ ràng đặt chỗ sớm thường giúp bạn dễ thương lượng về giá hơn là thuê chỗ nghỉ khi đã cận ngày đi.

7.Hãy tỏ ra lịch sự, thiện chí và không quên khen sản phẩm của người bán

Hãy tỏ ra cho người bán hàng hay người cung cấp dịch vụ thấy là bạn rất hài lòng, rất muốn sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của họ. Không quên khen ngợi chất lượng sản phẩm hay dịch vụ họ cung cấp trong lúc để họ thấy điều kiện tài chính hạn chế khiến bạn không thể trả giá cao hơn. Không phải lúc nào bạn cũng thành công nhưng trong không ít trường hợp, người bán hàng hoặc người cung cấp dịch vụ sẵn sàng hạ giá vì thấy thiện cảm với văn hóa giao tiếp của bạn.

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...