A+ A A- Kiểu đọc sách

Khái cảm từ những đồ dùng Sa Huỳnh (kỳ 4 & hết)

14:34 23/12/2012
loading...


(Thethaovanhoa.vn) - Mâm bồng, bát tước luôn là đồ dùng trong thờ cúng đối với người Việt và người Hán. Song những hiện vật này của người Sa Huỳnh có lẽ là được dùng thường ngày mà thôi.

Mâm bồng – hiện vật của văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay 2.000 – 2.500 năm, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.

1. Những hiện vật Sa Huỳnh có lẽ trải dài từ cuối thời kỳ Đồ đá mới đến thời đại Đồ sắt rồi tiếp xúc với nền văn hóa Champa sơ khởi, chủ nhân sau này khi người Sa Huỳnh vắng bóng trên dải đất Trung bộ.

Con người, bộ lạc có thể qua đi, nhưng văn hóa lại nằm rất đa dạng ở mọi gốc rễ, cành lá khiến nó có thể “gia nhập” vào một khu rừng khác.

Người Sa Huỳnh và người Champa có thể rất khác nhau, nhưng văn hóa của họ tiếp xúc và qua lại với nhau, âu cũng là bình thường. Trong những hiện vật Sa Huỳnh cuối kỳ, người ta thấy cả những núm vú trên đồ gốm, điều phổ biến trong văn hóa Ấn Độ giáo Champa.

Những rìu đá, chày và bàn nghiền Sa Huỳnh làm tôi băn khoăn không biết họ có đi ra từ một dòng tộc nguyên thủy nào không, khi chưa tìm ra được những nguyên liệu kim loại, và sau khi có được những nguyên liệu kim loại đồng và sắt, người Sa Huỳnh có hay biết gì đến nền văn hóa Đông Sơn, được coi là phổ biến ở Đông Nam Á hay không? Vì trong di chỉ Sa Huỳnh hiện không tìm thấy trống đồng hay những đồ vật Đông Sơn tương tự, trừ vài cái rìu không hoa văn. Những cái rìu này cũng rất thông thường không nói lên những tương quan với đồ đồng Đông Sơn.

Chả nhẽ Sa Huỳnh là một phần văn hóa biển độc lập với nền văn hóa Đông Sơn. Ở Trung bộ trên các vùng cao nguyên, có nhiều sắc tộc còn ở trạng thái bộ lạc cho đến thế kỷ 20 và không sản xuất được kim loại.

2. Mâm bồng, bát tước là những đồ dùng đặc sắc của nền văn hóa này. Bản thân chúng luôn có dáng vẻ trịnh trọng, cho nên trong những đồ tế tự của người Việt và người Hán, mâm bồng, bát tước luôn là đồ dùng trong thờ cúng, đựng lễ vật, nước thiêng. Song những hiện vật này của người Sa Huỳnh có lẽ là được dùng thường ngày mà thôi. Họ đựng hoa quả, thực phẩm, đựng rượu và đánh chén.

Tôi thấy đồ vật Sa Huỳnh gần với đời sống và đồ vật của người Phù Nam nhiều hơn người Champa, ở tính thẩm mỹ và ở sự đơn giản của hình khối, ở một đặc điểm mà người phương Tây gọi là phong cách Hy Lạp - Phật giáo (Buddhism - Greco), tức là nó có những tiêu chuẩn cổ điển Hy Lạp trong tạo hình. Nếu ta đặt các đồ gốm Sa Huỳnh cạnh gốm Hy Lạp cổ đại, ta thấy dường như chúng có lờ mờ một tương quan nào đó. Tất nhiên chỉ có hoa văn là hoàn toàn khác. Và tất nhiên người Hy Lạp chắc chắn không hay biết về người Sa Huỳnh, hay là một sự sản xuất gần giống nhau trong các điều kiện xã hội không xa lạ.

Nói đúng hơn thì dáng gốm Sa Huỳnh không quá xa lạ với dáng gốm Trung Á. Chúng ta cũng không rõ người Sa Huỳnh ăn bốc như lối của người Nam Á - Ấn Độ hay không, bởi vì họ không có những đồ bát đĩa nhỏ như dòng gốm phương Bắc. Nhưng có thể nói với những đồ đựng như vậy, những bình miệng rộng, có chân, thân miệng thắt nở đẹp đẽ, có mâm bồng loe miệng và bát tước đĩnh đạc, bàn tiệc của người Sa Huỳnh chắc chắn long trọng, điều mà chúng ta có thể đoán định từ gốm thường dụng Lý - Trần, mà con người ở đó ăn uống thật hảo sảng và sang trọng.

Khuyên tai đá hai đầu thú. văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay 2.000 – 2.500 năm, hiện vật Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.

3. Ta hình dung một người đàn ông và một người đàn bà Sa Huỳnh. Họ để mình trần nước da nâu bóng, tai rộng đeo những khuyên lớn hình thú hai đầu hoặc tròn có núm, cổ đeo những vòng hạt bằng thủy tinh, đá quý và đeo thêm những lá bùa bằng gốm có hình khắc vạch. Thân dưới đóng khố hoặc quấn váy ngắn. Đàn bà đội những bình lớn trên đầu đi lại lấy nước, đàn ông giắt rìu đồng vào hông. Trẻ con trần truồng đeo khuyên và vòng đá chạy nhảy trong bộ lạc ven biển.

Họ ăn cá biển, ăn dừa, muỗm, mít và có thể cũng ăn trầu cau, song chưa chắc họ đã là những chiến binh như những người Đông Sơn cùng thời và người Champa sau này.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa


loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...