A+ A A- Kiểu đọc sách

ĐT.LA: Đoàn kết là cái chi chi

11:12 24/05/2011
loading...

(TT&VH) - Các cầu-thủ-loại-2 ở Bến Lức luôn ý thức được mình đang ở đâu so với phần còn lại của Eximbank V-League 2011. Cơ bản, ĐT.LA vẫn là đội bóng tương đối đoàn kết, với tính kỷ luật được đảm bảo. Cho đến khi đội bóng gặp khó khăn và gần như không có khả năng kháng cự, ung nhọt mới có dịp phát tác.

“Ngôi sao” Thanh Bình và phần còn lại

Thật lạ khi Thanh Bình lại là đối tượng số một để cầu thủ ĐT.LA hướng sự chỉ trích. Nó không xuất phát từ năng lực chuyên môn (bởi khả năng chơi bóng của Bình như thế nào, cả V-League đều đã biết), mà là từ cuộc sống ngoài sân bóng của ngôi sao này. Rất nhiều lần cái tên Thanh Bình xuất hiện trong các buổi trà dư tửu hậu ở ĐT.LA, và đa phần đều không phải với thái độ vui vẻ, thân thiện.

Thanh Bình (trái) không được lòng đa số đồng đội ở ĐT.LA. Ảnh: Quang Nhựt


Thanh Bình đã là một trong những cầu thủ hưởng lương cao nhất ở ĐT.LA, có giá chuyển nhượng (đôi ba tỷ đồng) trên sàn đàng hoàng, nhưng cho đến thời điểm này, sau 2 mùa bóng chơi cho “Gạch”, đóng góp của Bình là con số không rất tròn. Đã vậy, Bình còn dính “phốt”, với việc nói dối “quản gia” (người phụ trách việc điểm danh và bảo vệ khu Bến Lức) xé rào “bay đêm”, cho đến khi bị phát hiện và bị kỷ luật xuống đội trẻ tập. Đích thân GĐĐH Phạm Phú Hòa đã phải phi xuống Bến Lức ngay trong đêm để xử Bình.

Thực tế thì bất cứ ai cũng có quyền quyết định cuộc sống cho riêng mình. Thanh Bình cũng thế thôi. Cuộc sống xa hoa, vợ đẹp – con xinh, xe hơi đời mới, và Thanh Bình vô tình cũng khiến đồng đội ngứa mắt. Mà ngứa thì... Nếu Thanh Bình có liên tục phải xách xe không chạy trên sân, phải đói bóng, thì đây cũng là một cách để đồng đội cô lập anh. Bình có lẽ cũng mập mờ hiểu ra điều này.

Nát như “Gạch” non gặp nước

Khoảng nửa năm qua, sau sự ra đi của những Minh Phương và Tài Em, Văn Giàu với Văn Hiệp tạo thành một “ê-kíp” ăn ý, trong sân cũng như cuộc sống thường nhật. Giàu đã là công thần – đội trưởng của “Gạch”, trong khi tiền vệ gốc Tiền Giang, Trần Văn Hiệp, được tín nhiệm làm đội phó. Trong một chừng mực nào đó, có thể xem bộ đôi này là “quyền lực hậu trường” của ĐT.LA dưới trướng GĐĐH Phạm Phú Hòa. Thực tế thì bất cứ đội bóng nào cũng tồn tại những nhân vật như thế và nó đảm bảo sự cân bằng tương đối cho CLB.

Nhưng, ở một đội bóng pha tạp đủ Bắc – Trung – Nam đa tính cách như ĐT.LA, mọi thứ không hề đơn giản. Sự khác biệt văn hóa, cũng như thói quen sinh hoạt, ma mới ma cũ… là tồn tại muôn thuở. “Nó mà đá cái gì, nhưng không hiểu sao HLV lại thích. Có đôi khi họ vẫn phải thuận theo ý của người này, người kia”. Bản thân HLV Simon McMenemy cũng chỉ được coi như một nhà cầm quân trẻ, máu lửa và đầy nhiệt tình, nhưng nhãn quan chiến thuật, cũng như khả năng đọc – điều chỉnh trận đấu còn hạn chế.

Không đơn thuần mà Tshamala bị đẩy xuống Cần Thơ trong bối cảnh mà ĐT.LA đang khó khăn. Ở Bến Lức từ nhiều năm nay, Antonio và Tshamala luôn hằm hè nhau trong việc giành tầm ảnh hưởng. Đó là chưa nói đến sự xuất hiện của Danny David, cũng là một cái gai, trong khi Kassim bị xem là chân gỗ, hữu dũng vô mưu. Lãnh đạo đội bóng dường như đã ý thức được điều này và buộc phải “hạ sát” một trong số đó, để “Gạch” không bị nát hơn, chứ chẳng phải lý do chiến thuật. Họ chọn kỳ nghỉ giữa mùa để đưa ra quyết định. 

H.A.T


loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...