A+ A A- Kiểu đọc sách

Ấn tượng với chuỗi hoạt động đặc sắc trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam 2017

10:51 13/06/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) – Trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI, hàng loạt sự kiện đặc sắc mang tầm quốc gia và quốc tế đã được tổ chức. Song hành với đó là chuỗi sự kiện mang đậm chất văn hóa xứ Quảng làm say đắm người dân và du khách trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Từ những sự kiện mang hồn cốt xứ Quảng

Festival Di sản Quảng Nam 2017 mang đến một chuỗi các hoạt động di sản, văn hóa đặc sắc. Dấu ấn để lại trong lòng người dân và du khách chính là một Quảng Nam giàu văn hóa, một vùng đất của di sản với nhiều tiềm năng đang được khai thác.

Một trong những di sản đặc biệt của xứ Quảng được đem đến Festival lần này chính là Lễ hội sâm núi Ngọc Linh. Lễ hội sâm núi Ngọc Linh lần thứ I - năm 2017 tại huyện Trà My, Quảng Nam. Sâm núi Ngọc Linh là một đặc sản của huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam và lần đầu tiên được giới thiệu đến đông đảo du khách.

Chú thích ảnh

Lễ hội với chủ đề “Huyền thoại Ngọc Linh” diễn ra từ ngày 10 đến 13/6, với chuỗi các hoạt động đi kèm như: cuộc thi sáng tác ca khúc về bảo vệ rừng có gắn với cây sâm Ngọc Linh; sáng tác ảnh nghệ thuật về văn hóa - con người Nam Trà My; liên hoan diễn tấu cồng chiêng; trưng bày triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa và triển lãm ảnh nghệ thuật về sâm Ngọc Linh, cây dược liệu, sản phẩm đặc trưng, văn hóa của các dân tộc trong huyện; hội chợ, triển lãm sâm Ngọc Linh… nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu về sâm Ngọc Linh đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Các hoạt động chính của lễ hội đều có ý tưởng độc đáo, tạo được dấu ấn đặc sắc với du khách tham dự. Trong khuôn khổ Lễ hội còn có Hội chợ thương mại trưng bày sản phẩm sâm Ngọc Linh và nông lâm sản đặc trưng miền núi Quảng Nam thu hút hàng trăm du khách đến tham quan, mua sắm.

Sau 4 ngày tổ chức, Lễ hội đã giúp người dân tiêu thụ hơn 200kg sâm núi  và hàng loạt các sản phẩm đặc trưng với doanh thu bán hàng lên đến hơn 12,5 tỷ đồng.

Chú thích ảnh

 Một điểm nhấn khác chính là chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Apsara” được tổ chức vào tối 10/6 tại khu di tích Mỹ Sơn, do Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (Quảng Nam) phối hợp với Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị ngàn đời của văn hóa Chăm pa.

Chương trình nghệ thuật với hơn 10 tiết mục ca, múa nhạc đã được các nghệ sĩ thuộc Phòng Văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn và Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận dàn dựng biểu diễn như “Xuân về trên tháp cổ”, “Vũ điệu đạp lửa”, “Ước mơ bên khung cửi”, “Miền đất Panturanka”… tái hiện rõ nét những nét đẹp tinh túy của văn hóa Chăm pa; mang đến cho người xem nhiều cảm xúc thú vị về các giá trị văn hóa, lịch sử kiến trúc nghệ thuật Mỹ Sơn nói riêng và văn hóa Chăm nói chung.

Đặc biệt, trong chuỗi hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần này còn có một sự kiện đặc biệt là Liên hoan hô hát bài chòi - trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện diễn ra từ ngày 10/6 đến ngày 13/6 tại Quảng trường biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên đến từ 16 tỉnh, thành trong cả nước: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên với ca trù; Gia Lai với cồng chiêng; Nghệ An với ví dặm; TP.Hồ Chí Minh, Bình Thuận với đờn ca tài tử…

Đặc biệt, các nghệ sĩ, diễn viên đến từ 4 tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng đã giới thiệu đến du khách di sản nghệ thuật bài chòi miền Trung, sắp được trình hồ sơ quốc gia để UNESCO ghi danh vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngoài biểu diễn tại Quảng trường biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, các đơn vị đã tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân, du khách tại 3 địa điểm ở TP Hội An trong 2 đêm 11 và 12/6, gồm: Vườn tượng An Hội; Sân khấu ngã 3 Nguyễn Hoàng và 79 Nguyễn Phước Chu, TP Hội An.

Bên cạnh đó, Nghi thức trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam diễn ra từ ngày 11 đến ngày13/6 với chủ đề “Hương sắc vùng cao Quảng Nam” cũng mang đến cho khán giả những ấn tượng sâu sắc. Sự kiện có sự tham gia của 20 dân tộc thiểu số có cây nêu đặc trưng của từng dân tộc đến từ 17 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các hoạt động diễn ra trong sự kiện như: trình diễn nghi lễ dựng cây nêu của các dân tộc thiểu số Việt Nam; chương trình biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống; triển lãm, trưng bày hình ảnh hiện vật giới thiệu về vùng đất, con người, văn hóa, du lịch của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chú thích ảnh

Đến những chương trình mang tầm quốc tế

Festival Di sản Quảng Nam 2017 không chỉ mang đến chuỗi những di sản đặc sắc của Quảng Nam, mà còn là sự kiện để các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như các tỉnh thành trên cả nước giao lưu và kết nối di sản.

Một số sự kiện giao lưu kết nối di sản địa phương với quốc tế đã được tổ chức thành công như: Hội thảo khoa học quốc tế về con đường tơ lụa trên biển. Hội thảo với chủ đề “Hệ thống thương cảng miền Trung với con đường tơ lụa trên biển - vai trò và các mối quan hệ”, do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và UBND TP.Hội An đồng chủ trì đã mang đến nhiều kết quả tốt đẹp.

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học đầu ngành của nước ta và Nhật Bản cùng thảo luận chuyên sâu về lịch sử hình thành, vai trò các cảng thị ven biển miền Trung cũng như sự kết nối các cảng thị này với các thương cảng của Đông Á, Đông Nam Á qua con đường thương mại hàng hải.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận định vấn đề thương cảng Hội An và hệ thống thương cảng ven biển miền Trung đã được nghiên cứu sâu kỹ từ các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm mới cần cập nhật, nhiều tư liệu cần được thông tin, giải mã phục vụ cho công tác quản lý, hoạch định chính sách. Hội thảo này là một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Festival văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - châu Á 2017.

Bên cạnh đó, một trong những hoạt động gây ấn tượng mạnh mẽ trong dịp Festival dịp này chính là Hội thi Hợp xướng quốc tế lần thứ 5 tại Việt Nam và lần thứ 4 tại Hội An với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của 32 đoàn hợp xướng đến từ 10 quốc gia (Úc, Nhật, Nga, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Philipin, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) cùng đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước tham dự.

Hội thi là nơi thể hiện trí tuệ, sự sáng tạo, tình yêu và lòng đam mê nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, mang đến cho công chúng, du khách trong và ngoài nước những chương trình hấp dẫn, nét đặc trưng văn hóa độc đáo của các quốc gia, khơi gợi cảm xúc thẩm mỹ của cộng đồng. Góp phần phát triển phong trào âm nhạc hợp xướng, thính phòng của địa phương và tạo cho phố cổ Hội An một nét riêng mới trong quá trình hội nhập, phát triển.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá các giá trị di sản, văn hóa, nghệ thuật và tiềm năng du lịch của Hội An, Quảng Nam đến với du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời cũng là dịp để giới thiệu những giá trị độc đáo của loại hình biểu diễn hợp xướng đến công chúng, đồng thời là cơ hội để các nghệ sĩ Việt Nam giao lưu với các nền âm nhạc tiên tiến trên thế giới; từ đó, tiếp tục xây dựng và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam bắt nhịp với hơi thở thời đại, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong xu thế hội nhập toàn cầu.

Hoàng Yến

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...