A+ A A- Kiểu đọc sách

Đêm nằm đáy biển

11:05 07/01/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Sư thầy Thích Minh Chuyển trải lớp nệm mỏng, đưa tôi cái túi ngủ (sleeping bag): cậu thử trải nghiệm một đêm nằm dưới đáy biển thế nào?

Thiền viện Chân Nguyên, thành phố Adelanto một đêm đông. Mưa phùn lạnh buốt tâm can. Sa mạc Adelanto mênh mông không đèn. Thoảng nghe tiếng mèo hoang kêu hiu hắt, tôi ngờ rằng đấy là tiếng sói tru. Nơi đây mấy năm trước đầy rắn rít, quạ và chó sói.

Trong mênh mông hoang vu đó, 7 người đàn ông, bảy nhà sư, đã và đang rong ruổi đường Phật.

Đêm nay có thêm một kẻ mải chơi đến từ bên kia địa cầu với mục đích đơn giản: thăm người bạn cùng lớp thời đại học, Đức, sư thầy Thích Minh Chuyển.

Sa mạc Adelanto hàng triệu năm trước vốn là đáy biển. Vậy là tôi đang nằm dưới đáy biển ư. Liệu có một nguồn năng lượng nào đặc biệt giúp cho thân xác tôi khỏe mạnh, giúp tâm tịnh, hướng thượng, không bị sân si đày đọa.

Khi bay qua sa mạc mêng mông từ Las Vegas xuống Washington, trên cánh máy bay, đã không thể ngừng mắt dõi xuống hoang hoải sa mạc đẹp tuyệt trần như tranh cát. Đồi, núi, tuyết, thi thoảng vài hồ nước xanh biếc cô đơn như góa phụ trẻ tuổi...

Ước có điều mầu nhiệm được sà xuống doi cát mịn như tơ mà đi chân trần mà vẽ một trái tim rồi về.

Tôi đã viết rằng trong mỗi chúng ta ẩn chứa trong lòng một sa mạc.

Đã làm chùm ảnh về sa mạc như một món quà cho bạn bè, và nhận được không ít thích thú.

Để rồi tối nay vượt sa mạc thăm bạn, để được thực hiện niềm vui với sa mạc bí ẩn.

Tôi đã mang theo biết bao tình cảm của thầy cô, bạn bè trong lớp, đến được tận nơi người bạn người tu, giờ đã là cánh chim thiên di xứ người tít nơi sa mạc tầm sư học đạo.

Những ngày đầu tiên ở đây hẳn buồn lắm, áp lực không ít. Tôi cảm thấu điều đó qua những vần thơ bôi bôi xóa xóa trên trang vở rơi trên bàn trà, trên fb của bạn.

Đã chọn lý tưởng thì buộc phải mạnh mẽ đứng lên, nhìn thẳng mà bước đi thôi bạn ơi. Chẳng ai giúp được gì ngoài chính bạn. Tu cũng như đời.

Bao nhiêu câu chuyện về đời và đạo. Vụt cái đã 2h sáng.

Sa mạc dưới lưng lặng im nghe câu chuyện trong veo của hai người bạn. Và tất cả chìm vào giấc ngủ không mộng mị.

***

Tôi nghe kể nhiều về Thiền viện đồ sộ này. Đại loại khánh thành năm 2007. Trước đó chỉ một nhà sư lên đây mua 15 mẫu đất và sống trong một mobile home (nhà di động) tu hành. Chính quyền không đồng ý, cảnh sát xua đuổi, nhưng ông vẫn kiên trì. Đuổi thì kéo mobile home đi, tối về lại vị trí và ...tu.

Sau đó, mưa dầm thấm đất, chính quyền cũng đồng ý Được sự đóng góp của phật tử, Thiền Viện Chân Nguyên đã ra đời, được truyền thông của Hoa Kỳ tán thưởng. Các nhật báo Los Angeles Times, Tuần báo Actual Life, Tuần báo The Press Interprise của David Olson, nhật báo The Sun San Bernardino County’s News Paper..., nhiều lần đưa tin.

Điều này cũng nói lên được sự hiện hữu của Phật Giáo Việt Nam ngay trong dòng chính của Hoa Kỳ và Phật Giáo đã và đang được người Hoa Kỳ biết đến.

Thực tế, từ ngày khánh thành, có nhiều gia đình người Mỹ đến để chiêm bái, thậm chí cho con em quy y.

Thiền Viện Chân Nguyên mang đậm kiến trúc của một ngôi chùa Việt, giờ còn là địa chỉ của du lịch tâm linh, tu học. Ai đi Las Vegas nên ghé thăm chốn này. Cứ cuối tuần, hàng trăm phật tử ở California lại đổ về.

***

Tiếng tụng kinh rì rầm đánh thức tôi dậy. Tôi dụi mắt mở cửa sổ, nắng tràn vào mang theo không khí trong lành của sa mạc, khoan khoái vô cùng.

Hai đứa pha trà, lại song ẩm. Tôi tặng bạn cây sáo trúc mà mình tự tay. Tặng bạn một bản Áo mới Cà Mau.

Nghe nói Cà Mau xa lắm

Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam

Ngại chi đường xa không tới

Về để nói với nhau mấy lời...

Tiếng sao vang động cả ngôi chùa. Vụt liếc thấy anh da đen đang làm công cho chùa buông cuốc. Rồi anh tiến đến sát cửa sổ ngồi nghỉ. Gương mặt trầm ngâm.

Bạn tôi cũng cúi đầu chăm chú lắng nghe.

Về Cái Nước, Đầm Dơi

Nghe ai ru câu ơi hời

Thương em đừng để duyên lỡ thời

Tội nghiệp ghê nghe sắt se con tim tôi.

Chừng nào về Năm Căn

Nhớ nhau qua lại cũng gần

Một lần về U Minh

Nghe muỗi kêu nhớ rừng Cà Mau.

*****

Không gian chùng lắng.

Bạn cũng võ vẽ biết sáo, liền thổi bài lòng mẹ. Hầu như đây là bài kinh điển của những người tập sáo.

Bạn thổ lộ sang đây càng nhớ cha mẹ.

Cha mẹ là nguồn mạch sống! Trong dòng đời ào ạt mưu sinh nhiều khi chúng ta vô tình lãng quên điều đó.

Có một buổi chiều hanh gầy gần đây tôi bàng hoàng ngẫm lại cái gọi là ơn nghĩa sinh thành, khi đến thăm bà dì của người bạn ở viện dưỡng lão.

Dì đã gần 90 tuổi. Đã lẫn. Chỉ có một con trai, con cháu dì đi làm cả ngày, không có điều kiện chăm sóc nên phải đưa dì vào viện dưỡng lão.

Quá nhiều con cháu người Việt bên này, dù thương bố mẹ, ông bà nhưng không có giải pháp nào khả dĩ hơn đưa người già vào viện dưỡng lão, nhất là khi nằm một chỗ. Cũng may các viện dưỡng lão bên này đa số đều có cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc tốt.

Trẻ em Việt kiều thường được động viên đến các viện dưỡng lão đánh cờ, trò chuyện với các cụ.

Thế nên, ngẫm lãi thấy những các cụ già ở Việt Nam còn sướng chán khi đa số ở với con cháu, cho đến khi về với cát bụi. Nghèo hay sang đều có con cháu quây quần.

****

Bà dì mừng rỡ nụ cười trẻ thơ. Lâu lắm rồi không ai thăm. Xung quanh đầy búp bê. Trên tường dán đầy ảnh gia đình. Bạn tôi chỉ vào một người thiếu phụ đẹp như tranh vẽ. Đấy là dì của ngày xưa.

Ôi thời gian thật phũ phàng.

"Không biết đời tôi về già có bị đẩy ra viện dưỡng lão", anh bạn buột miệng thở dài

****

Tôi chỉ vẽ cho bạn một số kỹ năng thổi sáo. Trong đó kỹ năng rung hơi. Nó tựa như thiền. Hít hơi vào đan điền, sau đó rung hơi bằng bụng, thay vì rung ngân bằng cổ. Như thế mới chuyển hóa được nội tâm, tâm hồn vào tiếng sáo.

Bạn tôi thực hành hít thở hơi khá chật vật.

Phải học thôi. Như cách bạn đang chỉ cho tôi học thiền, làm sao hơi thở đúng khi ngồi thiền.

"Thiền đúng cách. Hơi thở đúng sẽ giúp cả châu thân được đặc trị, sẽ dẫn dắt cái tâm bạn đi đúng nẻo thiện", bạn dạy.

Hai đứa tự làm bữa cơm chay, rồi đi vãn cảnh chùa. Tôi sờ vào các bức tượng đưa từ Non nước Ngũ hành Sơn vượt biển sang đây, nghe như có tiếng đẽo đục, tiếng hơi thở hổn hển của các nghệ nhân hiền hòa dưới chân núi trứ danh vang vọng.

Và nghe cả tiếng sóng sông Hàn lao xao.

Sa mạc dưới cánh máy bay là đây rồi.

Núi xô núi. Cát xô cát. Sỏi chen đá. Mênh mang đến tận chân trời.

Cuốu cùng, tôi đã thỏa nguyện ước mơ thầm kín, đi chân trần trên doi cát mơ nhung và vẽ một trái tim cho riêng mình.

Mang theo 3 cây sáo đến Mỹ để tặng, trong đó cây cuối cùng tặng cho một nhà sư là bạn thân.

Cây sáo giờ này đang ngủ yên nơi sa mạc Adelanto bao la, nơi hàng triệu năm trước là đáy biển.

Đêm sa mạc, đêm nằm đáy biển ngủ ngon như khép mi trong tử cung mẹ bao dung, quả là đêm nhớ đời cho một kiếp luân trầm.

***

Chùm ảnh sa mạc Adelanto chụp từ máy bay và Thiền Viện Chân Nguyên đang là một trung tâm phật giáo nổi tiếng của cộng đồng Việt ở Mỹ:

Hữu Quý
(Adelanto, đầu năm 2017)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...